Ghi nhận Hành vi tâm linh ở động vật

Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy sự đau buồn và để tang ở các loài động vật khác đã tăng lên rất nhiều trong thập niên qua[1] Việc để tang không chỉ giới hạn ở các loài thuộc họ cá voi có não lớn (như cá voi, cá heo) hay ở các loài linh trưởng, các khoa học gia đã ghi nhận được một số hình thức phản ứng trước cái chết ở hải cẩu, lợn biển, chó hoang dingo, ngựa, chó, mèo nhà, và nhiều loài khác nữa. Trong số những ví dụ đáng kinh ngạc có câu chuyện về 27 con hươu cao cổ trưởng thành tổ chức lễ tưởng niệm cho một con non mới chết, chuyện những con voi từ năm gia đình khác nhau tới thăm xương cốt của một con voi chết, một nhóm 15 con cá heo bơi chầm chậm hộ tống một con cá heo mẹ mang theo con con đã chết, và một trường hợp kỳ lạ về hai con vịt được cứu từ một nông trại chuyên nuôi gia cầm lấy gan làm thực phẩm đã kết bạn với nhau, rồi khi một con chết, con vịt còn lại đã nằm gối đầu lên cổ con kia trong nhiều giờ đồng hồ[1].

Tinh tinh

Nhà sinh vật học Mỹ là Nancy Howell nhận định tinh tinh có những tiền tố hình thành nên đời sống văn hóa và tâm linh như người nguyên thủy. Chúng có thể giao tiếp qua cử chỉ, sống tương trợ lẫn nhau và còn thực hiện những nghi lễ tương tự một đám tang khi một thành viên trong bầy qua đời như cúi đầu đứng xung quanh, chải lông. Những nghiên cứu về đời sống của tinh tinh gần đây cho thấy loài vật này còn biết sử dụng, chế tạo công cụ đơn giản. Nhà linh trưởng học Jane Goodall còn cho biết một số bầy linh trưởng thường khiêu vũ dưới cơn mưa lớn, hoặc khi chúng cùng đi qua một thác nước. Đó là một biểu hiện cho thấy tinh tinh có thể cũng có niềm tin của riêng chúng, tương tự việc cầu khấn thần nước, thần mưa của con người[2]. Chưa kể, tinh tinh không phải sinh vật duy nhất được ghi nhận hành động như thể nhận thức được đời sống tâm linh.

Quan điểm đó của Goodall đã được gián tiếp khẳng định. Năm 2016, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Tiến hóa Nhân loại học Max Planck, trực thuộc Đại học Leipzig (Đức) đã công bố một nghiên cứu quan sát tinh tinh sống ở 4 khu vực thuộc Tây Phi đã cho thấy những hành vi đặc trưng của đời sống tâm linh. Nhóm này mô tả rằng: "Bầy tinh tinh đứng quanh một cái cây, sau đó đi vòng quanh. Chúng ném đá vào cái cây đó, và chỉ có một số cây nhất định trở thành mục tiêu. Chỉ những con đực mới được ném đá vào cây, những con cái và con non đứng quanh quan sát. Hành vi trên được thực hiện lặp đi lặp lại suốt một thời gian dài. Đống đá được sử dụng chất đống quanh cái cây được chọn". Hành vi này cũng tương tự nghi thức tôn giáo ở các nền văn minh cổ đại. Cái cây của loài tinh tinh cũng giống như một đền thờ, và những con đực đóng vai trò tương tự thầy tế[2].

Vào năm 1972, Jane Goodall chứng kiến cảnh một con tinh tinh đực non có tên là Flint chết chỉ một tháng sau cái chết của mẹ nó, Flo. Con tinh tinh non đã quá đau lòng sau cái chết của mẹ, đến nỗi nó ngừng ăn uống và mọi hoạt động khác cho tới chết[1]. Sau này, tại Quỹ Bảo vệ Tinh tinh Mồ côi Hoang dã (Chimfunshi Wildlife Orphange Trust) ở Zambia, một con tinh tinh cái có tên là Noel đã cố tìm cách lau sạch răng cho đứa con nuôi đã chết của nó, tinh tinh đực non tên là Thomas, hành vi được nhiều người cho là "nghi thức làm đám tang"[1]. Khi một con tinh tinh con qua đời, con mẹ sẽ vẫn bế xác con mình theo người nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng sau đó. Con mẹ vẫn tiếp tục chải chuốt cho thi thể, làm chậm quá trình phân hủy và chỉ ngưng tương tác với thi thể khi nó đã phân hủy quá nặng[3].

Ở loài voi

Voi được ghi nhận là có tập tính viếng mộ thành viên đã chết

Voi nổi tiếng về việc tới thăm xác chết của các thành viên trong đàn, vuốt ve những bộ xương và có lúc còn đung đưa lắc mình như thể làm lễ tưởng niệm/mặc niệm. Nhà khoa học Mỹ Ronald Siegel đã quan sát những hành vi tâm linh ở loài voi châu Phi cho thấy, loài voi có thực hiện hành vi tưởng nhớ một thành viên đã chết vì nhiều loài có hành động thể hiện lòng tiếc thương như đứng xung quanh, cúi đầu nhưng không một loài nào chôn cất đồng loại như loài voi. Khi một thành viên trong bầy vừa qua đời, chúng sẽ đứng quanh rồi lấy bùn, đất, lá cây phủ lên.Voi không chỉ làm vậy với đồng loại. Ronald Siegel ghi nhận chúng cũng chôn cất những xác chết khác của tê giác, trâu, bò. khi gặp trên đường đi, một số con voi còn trang trí lên ngôi mộ bằng thức ăn, trái cây, hoa, hoặc những tán lá sặc sỡ[2].

Trong năm 2013, một nhà nghiên cứu đã theo dõi và ghi nhận cái chết của một con voi cái, tên Eleanor. Ngày hôm trước, con voi Eleanor lê lết thân mình sưng tấy một cách nặng nhọc. Một ngà của nó bị gãy, tai và chân của nó đầy các vết tích của một cú ngã gần đây. Ngay sau khi Eleanor quỵ xuống, một con voi cái khác, tên Grace, từ một nhóm khác trong đàn, đã chạy lại phía Elanor và tìm cách vực nó dậy bằng ngà của mình. Thế nhưng Eleanor đã quá yếu. Các con voi trong đàn đã đi tiếp, nhưng Grace vẫn ở lại bên cạnh Eleanor ít nhất một giờ nữa, cho đến khi mặt trời lặn xuống và bóng đêm bắt đầu bao phủ Kenya.

Con voi Eleanor cuối chùng đã chết vào lúc 11 giờ sáng hôm sau. Trong các ngày sau đó, ít nhất năm nhóm voi khác nhau đã đến thăm thi thể Eleanor, trong đó có một số gia đình voi hoàn toàn xa lạ với nó. Những con voi này ngửi, chạm vào thi thể của Eleanor và không bao giờ ở cách xa đó hơn vài trăm mét. Hành động này, theo nhiều khía cạnh, không khác gì với lễ viếng một quan chức vì những con voi đến thăm viếng không chỉ bao gồm các thành viên gia đình của Eleanor, các nhà khoa học cho rằng loài voi nói chung đều có một phản ứng thường thấy trước cái chết của đồng loại. Dù phản ứng này còn khác xa một lễ viếng của con người, nó vẫn hết sức đặc biệt đối với loài voi[3].

Ở cá heo

Con người và voi không phải là loài duy nhất viếng thi thể của đồng loại vừa qua đời. Các loài thuộc bộ Cá voi, bao gồm cá heo và cá voi sát thủ, thường được quan sát thấy chúng tập trung xung quanh một thành viên mới chết. Việc này có thể kéo dài trong vài ngày. Những con cá heo thậm chí còn ngăn thợ lặn đến gần, như thể không muốn có người ngoài can dự[2]. Trường hợp đáng chú ý nhất về điều này diễn ra khi một cá thể cá voi sát thủ mang mã số J35 sinh con, nhưng con non sớm chết ngay sau khi chào đời. J35 thương tiếc con mình, nên đã đẩy xác con đi cùng trên đại dương suốt nửa tháng. Sau khi cùng con bơi hàng ngàn kilômet trên biển, nó mới chịu chấp nhận để con mình ra đi. Con cá voi sát thủ J35 đẩy con mình trên biển suốt nửa tháng, một hành vi cho thấy chúng cũng biết tưởng nhớ đồng loại đã chết[2]. Ghi nhận một trường hợp vào năm 2018, một con cá voi sát thủ non chết ở ngoài khơi Vancouver Island, và con cá mẹ có tên là Tahelqua, đã giữ xác con con bên mình suốt 17 ngày liên tục[1].

Vào năm 2000, chứng kiến một nghi lễ dưới nước khi thi thể một con cá heo cái được phát hiện dưới đáy biển, cách bờ biển Đảo Mikura 50 mét. Hai con cá heo đực đã ở cạnh thi thể con cái này rất lâu và chỉ thỉnh thoảng mới trồi lên mặt biển để hít thở. Các thợ lặn đã tìm cách mang thi thể của con cái lên bờ nhưng đã bị hai con cá heo đực chặn lại. Đến khi họ quay lại vào ngày hôm sau, hai con đực này vẫn đang canh gác tại đó. Đến ngày thứ ba, thi thể của con cái đã biến mất[3]. Trong năm 2001, các thợ lặn đã chứng kiến cảnh hơn 20 con cá heo vây quanh thi thể một con đực vừa chết. Khi các thợ lặn tìm cách tiếp cận, bầy cá heo đã phản ứng giận dữ và tìm cách chặn đường. Khi họ mang thi thể con đực lên tàu, cả đàn cá heo tiếp tục bơi theo cho đến khi tàu về cảng.Trong mỗi trường hợp, các con cá heo đều hành động khá thất thường khi chúng bỏ dở các hoạt động thường ngày để viếng đồng loại và thường phản ứng một cách hung dữ nếu có ai tìm cách đến gần[3].